Không Cảm Xúc

Rate this post

Lần này Tùy Duy Tâm chọn một nhà hàng Quảng Đông. Trình Dã là người gốc Bắc nên cũng không biết nhà hàng này có đúng chuẩn hay không, anh chỉ cảm thấy đồ ăn rất ngon.

Hình như chủ quán là người quen của Tùy Duy Tâm, hai người trò chuyện vài câu bằng tiếng Quảng Đông. Dù Trình Dã không biết tiếng Quảng Đông nhưng vẫn hiểu được đại khái câu nói. Chủ quán dẫn hai người đến bàn ăn, Tùy Duy Tâm khéo léo hỏi anh: “Có kiêng món gì không?”

“Không có.” Trình Dã lắc đầu.

“Tôi cũng vậy.” Giọng điệu của Tùy Duy Tâm khá vui vẻ: “Nhà hàng này nấu đồ ăn Quảng Đông rất ngon, ông chủ cũng là người Quảng Đông.”

“Anh còn biết nói tiếng Quảng Đông nữa à.” Trình Dã cảm thấy rất thú vị, càng tiếp xúc, anh càng thấy người đàn ông trước mặt rất hấp dẫn.

“Ừm, tôi từng sống ở Quảng Đông một thời gian.” Tùy Duy Tâm cười nhẹ. Hắn nói tiếng Quảng Đông khá chuẩn, lại cộng thêm giọng nói hay nên càng toát ra vẻ trầm ổn quyến rũ.

(truyện chỉ được đăng tại w@ttp@d: BBTiu4, những nơi khác đều là re-up!)

Ăn cơm xong, Trình Dã đề nghị đi xem studio, Tùy Duy Tâm không phản đối, hắn cũng muốn xem bên phía studio chuẩn bị đến đâu rồi.

Biệt thự của Tùy Duy Tâm nằm ở ngoại ô thành phố, môi trường xung quanh rất tốt, cách xa thành phố sầm uất, phong cảnh cũng đẹp, nhưng vị trí hơi xa.

Trình Dã đầu tư khá nhiều cho việc trang hoàng studio. Đây vốn là biệt thự cao cấp, trang trí ban đầu rất đẹp nhưng không phù hợp với phong cách làm việc của studio, vì thế Trình Dã đành phải thay đổi kết cấu trang trí, phía Tùy Duy Tâm cũng luôn có người báo cáo lại tiến độ thực hiện.

Phần trang trí về cơ bản đã hoàn thiện, nhưng Trình Dã muốn làm cho nó hoàn hảo hơn nữa nên một số chi tiết vẫn cần chỉnh sửa.

Sau khi xem studio xong, Tùy Duy Tâm nói: “Tôi đưa cậu về nhà.”

Khi xe về lại thành phố thì sắc trời đã gần chạng vạng, đúng vào giờ cao điểm, hai người bị kẹt xe trên đường vành đai 3 suốt một tiếng đồng hồ. Tình trạng giao thông ở thủ đô quanh năm đều như thế này, anh và hắn đều bực bội vì tắc đường nên bắt đầu trò chuyện với nhau thì chợt phát hiện cả hai đều có nhiều quan niệm giống nhau và các đề tài chung.

“Thật ra cái máy ảnh lúc đầu của Tùy Tâm Ý không hề bị hỏng, bình thường con bé rất quý máy ảnh của mình, nhưng đột nhiên nó lại nói với tôi rằng muốn mua máy ảnh mới. Tôi thấy có một vết nứt trên máy ảnh, tôi thử lại thì thấy máy vẫn hoạt động bình thường.”

Nhưng cô bé nhất quyết muốn mua một cái mới, nhóc cứ lặp đi lặp lại mãi mấy từ “người khác” và “hỏng rồi” với Tùy Duy Tâm.

Tuy Tùy Tâm Ý có hơi cố chấp ở một số vấn đề nhưng không phải là cô bé không có lý lẽ, Tùy Duy Tâm đoán rằng máy ảnh đã bị người khác đập.

“Cảm xúc của Tùy Tâm Ý có hơi rối loạn, con bé không giỏi bày tỏ suy nghĩ.” Tùy Duy Tâm hơi do dự nhưng vẫn nói ra.

Hóa ra là vậy. Ngay từ đầu Trình Dã đã cảm thấy Tùy Tâm Ý khác với những đứa trẻ khác.

Nếu phải tìm một tính từ để miêu tả cô bé thì anh sẽ dùng từ “không sống động”. Cô bé không sôi nổi như những bạn bè cùng lứa tuổi, dù có hướng nội đi chăng nữa thì cũng không giống vậy.

“Con bé là con gái của anh cả tôi. Anh cả tôi ở nước ngoài. Từ nhỏ nó đã thân thiết với tôi.” Tùy Duy Tâm giải thích: “Con bé gọi tôi là chú, gọi cậu là anh, tuổi tác chúng ta vốn không chênh lệch nhiều nhưng bây giờ tôi lại thấy mình già hẳn đi rồi.”

Chẳng trách khi Tùy Duy Tâm nghe cô bé gọi anh là “anh” thì hắn quay sang nhìn anh với vẻ hơi oán giận, hóa ra không phải anh nhìn lầm, Trình Dã thầm nghĩ.

Tùy Duy Tâm khựng lại một chút rồi nói: “Con bé thật sự rất thích cậu.”

Trình Dã không biết nên đáp lại thế nào, mặc dù anh rất tò mò nhưng hỏi quá nhiều về chuyện riêng của cô bé thì khá bất lịch sự, anh chỉ nói: “Tôi cũng rất thích cô bé.”

“Lúc nào tôi cũng bận đến mức chân không chạm đất, đa phần thời gian đều do bảo mẫu chăm sóc Tâm Ý, tôi hiếm khi có thời gian dành cho con bé.”

“Cô bé có được điều trị chưa?” Trình Dã hỏi.

“Rồi, bây giờ đã đỡ hơn nhiều rồi.”