An Nhã
Tôi biết chị ấy làm nghề gì, hồi đó, câu lạc bộ này là nơi lớn nhất nhì ở khu vực nội thành, tôi làm rửa bát ở nhà hàng dưới tầng, còn chị ấy ở tầng 28, tôi đã từng lên đó giao đồ cho chị ấy vài lần.
Tôi nắm chặt mép đĩa, lo lắng nhìn chị ấy.
Chị ấy như chợt nhớ ra điều gì đó: “Chị nghe Yên Yên kể em thi đậu đại học Kinh Hoa, đang lo tiền học phí à?”
Yên Yên là một cô gái mới vào, nhỏ hơn tôi một tuổi, trông rất ngây thơ trong sáng, kiếm sống ở câu lạc bộ cũng không tệ, thường xuyên quăng cho tôi mấy bộ quần áo cũ của cô ấy.
Bán mấy bộ đồ thiếu vải ấy cũng đủ để tôi tiết kiệm được một khoản kha khá.
Tôi gật đầu, chị ấy không nói gì thêm.
Chị A Đào có chút lai lịch trong câu lạc bộ, chị ấy chỉ nói một câu, tôi đã được điều lên quầy lễ tân ở KTV trên tầng ba, lương từ năm trăm một tháng tăng lên một nghìn năm trăm.
Duyên phận của con người thật kỳ lạ, chị ấy dường như rất thích tôi: “Cô bé lanh lợi thế này, đi rửa bát làm gì.”
Chị ấy chê tôi mặc quần áo bẩn, dẫn tôi đến Kim Nguyên Thế Kỷ, đó là lần đầu tiên tôi vào một trung tâm thương mại lớn như vậy, hương thơm quyến rũ, diện tích mười vạn mét vuông, đi xe còn chưa hết, huống hồ là đi bộ.
Chiếc điện thoại đầu tiên trong đời tôi cũng do chị ấy tặng, một chiếc Nokia 2112, vỏ màu bạc, phím màu tím hồng.
Chị ấy chê cái này là mẫu lỗi thời, còn chê màu sắc chỉ có con nít mới dùng, không xứng với khí chất của chị ấy.
Tôi bóp hai vai chị ấy, nịnh nọt: “Chị, đợi sau này em kiếm được nhiều tiền rồi, em sẽ mua cho chị một cái xứng đáng với khí chất của chị.”
Tiền à, lúc đó tôi mới biết, thứ đồ chơi như tiền này có thể phân chia người ta thành những tầng lớp khác nhau.
Có người tính từng đồng một, cũng có người vung mấy trăm vạn tiền mặt như giấy vụn, khiến các cô gái trong câu lạc bộ tranh nhau đến mức đầu rơi m.á.u chảy.
Những nhân viên phục vụ như chúng tôi, không được phép nhặt tiền, nếu không với sức lực này tôi có thể cướp hết tiền của họ mất.
Yên Yên là người duy nhất chịu nói chuyện với tôi, cô ấy nói những người khác đều không muốn nhìn thấy tôi xuất hiện vào ca làm của họ.
“Cô đẹp quá, mỗi lần cô lên bưng dĩa lên, mắt của đám công tử kia cứ như dán vào người cô ấy.”
“Nếu không phải chị A Đào nói cô không làm nghề này, thì họ đã gọi cô từ lâu rồi.”
Gần đây Yên Yên cặp kè với một khách hàng, một cậu ấm có địa vị không thấp, ra tay hào phóng.
Chiếc đồng hồ trên tay cô ấy, nghe nói có giá đến mười vạn, tôi còn chẳng dám đụng vào.
“Sắp tới tôi sẽ không làm nghề này nữa, Hòa công tử nói sẽ cưới tôi, đợi tôi nghỉ việc thì cái đồng hồ này tặng cho cô.”
Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ của cô ấy một lúc lâu, không trả lời, cái đồng hồ này, cô ấy không thể tặng được.
Tôi trẻ tuổi, còn cô ấy thì ngây thơ.
Lại còn coi câu nói đùa của đám công tử như lời thề hẹn.
7.
Sau đó, không chỉ không tặng được đồng hồ mà cô ấy còn suýt nữa bị hủy hoại cả khuôn mặt.
Khi Yên Yên bị người ta khiêng ra, chị A Đào chỉ vào dáng vẻ thê thảm của cô ấy, nói ẩn ý: “Ngốc đến vậy là cùng, con gái nhà lành ai mà gả vào loại nhà đó được.”
Chị ấy coi tôi như em gái, sự quan tâm hiện rõ trong mắt chị ấy.
A Nhã, cái tên này là do chị ấy đặt cho tôi, khi nghe cái tên quê mùa của tôi, chị ấy nhíu mày lại.