16 Năm, 10 Tuổi, 1 Lần

Rate this post

Các bạn có thấy mấy tác phẩm gần đây thi thoảng mình có xen kẽ vài chương tâm sự không? Có lẽ mình đang dần bước sang độ tuổi cần nghĩ nhiều hơn. Thực ra tuổi nào mà không nghĩ chứ? Nhưng hôm nay mình đã nhìn nhận được nhiều điều, tưởng bình thường mà lại không bình thường.

Mấy ngày vừa rồi Hà Nội mưa, nay đã nắng. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Mà mấy ngày này, là mấy ngày buồn của dân tộc. Mình ở thủ đô, con đường nơi mình ở là tuyến trung tâm, lại càng cảm nhận mọi điều rất rõ rệt.

Những con đường mình đi qua, đều là tên của những vị anh hùng dân tộc, cách đặt các tuyến đường nối liền nhau, nằm cạnh nhau, hay song song đều có ý nghĩa cả. Vậy mà mình ở đây 10 năm, đến giờ mới thấm thía vô cùng.

Đọc bức thư phu nhân nước Lào gửi phu nhân bác cố Tổng Bí thư, xem chia sẻ của cô giáo cũ nói về Bác, nhìn chiếc áo cũ của vị lãnh đạo làm mình rưng rưng xúc động. Và ấn tượng nhất với mình, là bức ảnh gia đình Bác gói bánh chưng ở căn nhà tập thể cũ, thúng nia giản dị, tường thì bong tróc, nồi cơm điện cũng nhuốm màu thời gian.

Nhưng nổi bật sáng ngời là hai người già phúc hậu, cháu trai cháu gái kề bên. Hình ảnh ấy lưu luyến mình mãi.

Trong sự kiện này, có rất nhiều điều cảm động và trân quý, không chỉ là sự đoàn kết, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Mà mình rút ra nhiều điều ý nghĩa cho bản thân.

Bữa cơm tối nay vợ chồng mình nói chuyện nhiều hơn mọi ngày. Mình thêm trân trọng cuộc sống hòa bình ấm no hiện tại. Thời cụ, thời ông mình thì chiến tranh. Thời bác, thời bố mình thì đói nghèo. Mình được sống trong thời bình, hiện đại phát triển, đó là hạnh phúc và phải ghi nhớ công ơn những người đã đem lại độc lập, tự do cho đất nước.

Chồng mình nói với con nhỏ bên cạnh: “lớn lên con hãy là người yêu quê hương Tổ Quốc, sống có ích cho gia đình, xã hội nhé”.

Rất lâu rồi trên ti vi có phim “Nếp nhà”, hẳn có bạn từng xem rồi. Mình thì không xem mấy, nhưng mình thích bài hát trong phim. Đó là bài “Tiền lá”, do ca sĩ Thùy Chi hát. Ngay khi nhìn ảnh gia đình Bác gói bánh, đầu mình đã nảy số lời bài hát này. Muốn ra xã hội tốt, thì “nếp nhà” phải tốt. Bố mẹ đúng đắn giáo dục, con cái sau này mới trưởng thành “có ích”.

Kể cho các bạn nghe, dịp này xem lại nhiều sự kiện lịch sử, dấy lên trong mình một hình ảnh nữa mà mình mãi không quên. Hồi cấp 2, mình đi cùng trường viếng nghĩa trang liệt sĩ. Buổi tối, mình lại được phân công đứng ở phía góc nên hơi sợ. Nhưng khoảnh khắc bát hương bùng cháy, rồi xem có những phần mộ lấy năm mất trừ đi năm sinh mà ngỡ ngàng vì tuổi đời quá trẻ. Ngọn lửa khi ấy có thể do gió làm bùng lên, nhưng mình thấy thiêng liêng lắm.

Con mình lớn dần, nhất định mình sẽ cho con tìm hiểu lịch sử, khuyến khích con học tập, trải nghiệm, dạy dỗ nhắc nhở con uống nước nhớ nguồn.

Các bạn biết không, nghe có vẻ không liên quan nhưng vợ chồng mình dặn lòng sẽ dịu dàng hơn với nhau, yêu thương nhau hơn, để gia đình thêm hòa thuận yên ấm. Bởi gia đình chính là xã hội thu nhỏ, nếp nhà tốt thì xã hội mới tốt đẹp.

Tiền Lá

Thủy Chi

Lá rơi, bếp chiều chụm hai mái đầu

Giấc mơ, căn nhà êm ấm mai sau

Trò chơi năm xưa, nay cuốn bao người

Tiền chơi năm xưa, nay lá cây đời

Thương tôi em về làm dâu

Mang theo góc vườn thơ ấu

Để tôi xênh sang đi giữa đất trời

Để con tôi ngoan trong vắt tiếng cười

Góc vườn ngày thơ ơi

Nếp nhà tình em tôi

– Nếp nhà-

****

“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

“…đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”

(trích lời cố Tổng Bí thư nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam- Bác Nguyễn Phú Trọng)