16 Năm, 10 Tuổi, 1 Lần
Hình Thịnh Minh từ ngày tốt nghiệp cấp 3, năm nào cũng vậy, buổi chiều trước đêm giao thừa đều đến thăm thầy chủ nhiệm cũ.
Thói quen này duy trì đã được 16 năm, từ lúc 18 tuổi là học sinh cá biệt vừa ra khỏi cánh cổng trung học phổ thông, lúc bần hàn tới lúc giàu có ở ngưỡng 34 tuổi, dù bận rộn tới đâu cũng không bỏ sót một năm nào.
Nhớ lại lần đầu tiên anh tới thăm thầy Quý vào chiều 30 Tết, thầy giáo trung tuổi khi ấy đã cực kỳ ngạc nhiên. Bởi anh là học sinh kém nhất lớp nhưng lại tới chúc Tết thầy sớm nhất. Thường thì các học sinh sẽ cùng nhau tới thăm thầy vào mồng 3 Tết theo thông lệ truyền thống.
“Sao con không đi cùng các bạn mà lại tới một mình?”
” Dạ, vì con là đứa cá biệt nên ngại không đi cùng các bạn, mà họ cũng không thích đi cùng con. Hơn nữa nếu đi cùng các bạn, con sợ thầy chỉ nói chuyện với những bạn giỏi thôi. Con sẽ không được nói chuyện nhiều cùng thầy.”
Vị thầy giáo bật cười trước lời lẽ của một học sinh cũ thông minh nhưng quậy phá, đã là thanh niên mà vẫn như đứa trẻ, nghe mà thấy thương.
” Cuối năm bận rộn còn lặn lội xa xôi tới thăm thầy. Cứ để ra Tết cho thong thả rồi tới cũng được mà.”
” Thực ra con chọn ngày cuối năm, con sợ mình cá biệt đầu năm tới thăm sẽ khiến nhà thầy không may mắn. Người ta thường muốn những người giỏi giang tới nhà dịp năm mới hơn”.
” Ngốc ạ, thầy quý con mà. Sau này rảnh lúc nào thì tới lúc đó, thầy luôn chào đón con”.
****
Năm nay Hình Thịnh Minh 35 tuổi. Vẫn theo thói quen cũ, anh về vùng quê nọ thăm thầy, nhưng từ nay về sau sẽ theo một cách khác.
Ngôi nhà mái ngói yên tĩnh nằm lọt thỏm giữa những nhà bê tông cao tầng, qua mỗi năm lại nhuốm thêm màu thời gian.
Đám thuộc hạ được lệnh đợi ở ngoài cách ngôi nhà 200m, một mình Hình Thịnh Minh xách giỏ quà đẩy cổng bước vào. Anh nhìn một vòng rồi bất giác thở dài, khung cảnh vẫn vậy, chỉ là dưới mái nhà chỉ còn một người sinh sống.
Rất yên tĩnh.
Từ xa anh đã thấy Quý Mộng Ny cô đơn đứng trước bàn thờ. Bóng lưng cô cao gầy và lãnh đạm.
16 năm, tức là anh và cô đã gặp nhau 16 lần, vừa quen vừa lạ.
Cô nghe thấy tiếng bước chân thì xoay người lại, không ngạc nhiên mà khẽ cười.
Hình Thịnh Minh gật đầu tỏ ý chào, rồi lặng lẽ hành lễ thắp một nén nhang.
Hai người trầm lắng nhìn nhau, Quý Mộng Ny pha một bình trà mời khách.
– Bố em mất rồi, cứ nghĩ anh sẽ không tới nữa.
– Tới chứ. Khi nào anh còn sống thì mỗi dịp trước giao thừa sẽ đều tới đây.
– Đi mấy tiếng, hơn trăm km, tấm lòng của anh thật sự đáng trân trọng. Cảm ơn anh!
Quý Mộng Ny ngoài biết Hình Thịnh Minh là học trò được bố mình yêu quý nhất thì cô không biết gì nhiều. Chỉ biết anh hơn cô 10 tuổi, dù đã gặp tận 16 lần, nhưng chỉ duy nhất một lần mỗi năm nên cô không rõ về anh lắm. Nghề nghiệp, gia cảnh hay tính cách của đối phương với cô đều khá mơ hồ. Lúc nào anh cũng xuất hiện chỉn chu và giỏ quà lần nào cũng là loại trà bố cô yêu thích.
Thế nên giữa hai người có gì đó khách sáo khó tả.
Vì nhà có tang nên Tết này Quý Mộng Ny không sắm sửa nhiều, cũng kiêng kị không đi đâu.
Chưa lần nào Hình Thịnh Minh ở lại ăn cơm tất niên, nhưng năm nay anh lại chủ động lên tiếng.
– Không về vội, anh muốn ăn cơm cùng em.
– Anh không bận sao? Không cần thương hại em đâu. Em vẫn ổn.
– Sao lại nghĩ là thương hại? Anh về cũng ăn cơm một mình. Hai người đều một mình, ở cùng một chỗ, tốt nhất là cùng nhau cho đỡ buồn. Anh đoán là thầy cũng muốn thế.
– Ừm, chắc chắn rồi. Nếu bố em không mắc bệnh nặng thì …. Trước đây ông ấy giữ anh ở lại ăn cơm nhưng anh đều từ chối. Giờ anh ở lại hẳn bố em sẽ vui. Anh muốn ăn gì? Em sẽ nấu cơm mời anh.
– Nghe thầy nói em thích ăn lẩu. Chúng ta hãy ăn lẩu đi. Vừa hay hôm nay tiết trời rất lạnh.
Cô nhìn anh rồi cười.
– Được thôi, chúng ta cùng ăn lẩu. Vườn nhà nhiều rau xanh, thịt trong tủ lạnh cũng sẵn. Anh gọi mấy người anh em ngoài kia cùng ăn nhé. Đừng để họ đợi nữa.
– Không cần bận tâm họ.
– Có gì đâu, thêm bát thêm đũa thôi. Làm lẩu cũng không cần nấu nướng gì nhiều. Hôm đám tang bố em họ cũng tới phúng viếng cùng anh mà.
Hình Thịnh Minh chiều ý cô, liền lấy điện thoại gọi cho các thuộc hạ. Quý Mộng Ny rất hài lòng và cảm kích. Cô nhớ rõ lúc ở nhà tang lễ, Hình Thịnh Minh xuất hiện cùng rất đông anh em theo sau. Khoảnh khắc anh quỳ gối dập đầu trước di ảnh của bố cô, thì tất cả những người ở sau cũng làm theo đều tăm tắp, tôn nghiêm và lịch sự.
Không phải ai cũng làm được điều đó, bởi ngoài cô là con ruột thì duy chỉ có nhóm người Hình Thịnh Minh sẵn sàng quỳ gối dập đầu. Các khách tới chia buồn thường chỉ đứng tưởng niệm và dâng hoa.
Hình Thịnh Minh còn giúp Quý Mộng Ny không ít trong tang lễ, đôn đáo tới nỗi mọi người tưởng anh là con rể nhà họ Quý, thay vì chỉ là một học trò cũ của bố cô.
Giây phút thấy cô đứng khóc âm thầm ở một góc khuất sau khi kết thúc lễ tang, anh đã dặn lòng sẽ thay người thầy đáng kính chăm lo quãng đời sau này của cô.
Lúc yếu lòng, Quý Mộng Ny gục trên vai Hình Thịnh Minh nấc lên từng tiếng. Anh không giỏi an ủi người khác, chỉ có thể vỗ về và dành hết tất cả sự dịu dàng của mình gom góp lại được một câu.
– Xin lỗi, anh đến muộn!